Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, các huyện và 2 thành phố thuộc Đồng Nai đều cập nhật diện tích đất công nghiệp. Vì thế, Đồng Nai dự kiến triển khai thêm khoảng 8 khu công nghiệp (KCN) mới và mở rộng thêm 3 KCN.
Khu công nghiệp Amata (TP Biên Hòa) sẽ mở rộng thêm hơn 27 ha. Ảnh: Vi Quân
Các KCN dự tính sẽ được đầu tư mới có tổng diện tích trên 4.300 ha gồm KCN đô thị dịch vụ Xuân Quế (Cẩm Mỹ); KCN Hàng Gòn (TP Long Khánh); KCN Bàu Xéo 2 (Trảng Bom); KCN Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4, KCN dịch vụ đô thị Bình An (Long Thành) và KCN dịch vụ cảng Phước An (Nhơn Trạch). Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch mở rộng thêm 3 KCN với 745 ha là KCN Dầu Giây, KCN Long Khánh (Thống Nhất) và KCN Tân Phú (Tân Phú).
Ngoài ra, tỉnh đang hoàn tất thủ tục đầu tư 3 KCN đã được Chính phủ phê duyệt là KCN Cẩm Mỹ (Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm (Thống Nhất) và KCN Phước Bình (Long Thành). Các huyện, thành phố chuẩn bị hoàn thành 23 cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn vào sản xuất.
Đồng Nai xác định những nơi có giao thông thuận lợi sẽ thu hút đầu tư vào các KCN nhanh hơn. Đơn cử, TP Long Khánh là nơi thu hút được nhiều DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào KCN Suối Tre và Long Khánh. Hai KCN trên đã gần lấp đầy nên TP Long Khánh đề xuất mở rộng KCN Long Khánh thêm 500 ha thuộc địa bàn xã Xuân Thiện (Thống Nhất) và thêm KCN Hàng Gòn 300 ha.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định các sở, ngành phải phối hợp với địa phương quy hoạch, thực hiện nhanh hạ tầng kỹ thuật các KCN để đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam. Hiện nay, 3 KCN có thể triển khai nhanh là Phước An, Phước Bình và Cẩm Mỹ. Để đẩy nhanh hạ tầng, tỉnh sẽ chú trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư xây dựng. Địa bàn đang được nhiều doanh nghiệp chú ý muốn đầu tư là Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Long Khánh.