Những dấu ấn nổi bật từ Đồng Nai - An Long Land

Những dấu ấn nổi bật từ Đồng Nai

Đại hội Đảng bộ Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định tỉnh này sẽ là trục tăng trưởng cho toàn vùng. Sau đây là những dấu ấn nổi bật mà TC MT & ĐTVN sàng lọc từ các báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của Đồng Nai thời gian qua

Bứt phá về công nghiệp

Dấu ấn đầu tiên về Đồng Nai là phát triển công nghiệp. Trước năm 1975, Đồng Nai chỉ một KCN, nay đã quy hoạch được 35 khu với tổng diện tích lên đến hơn 12.000 ha. Trong đó, 31 khu được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động. Thu hút khoảng 45 quốc gia vùng lãnh thổ với trên 1.800 dự án, nâng tổng vốn đầu tư gần 31 tỷ USD.

Đặc biệt, các KCN đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất nhanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 600 ngàn công nhân và đóng góp trên 50% tổng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Kỳ vọng trong những năm tới, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhiều quỹ đất mới để Đồng Nai tiếp tục phát triển các KCN hiện đại, thu hút các dự án công nghệ cao thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư lớn thì giá trị gia tăng cũng lớn theo…

Đa dạng dịch vụ

Dấu dấn thứ hai là bức tranh kinh tế rất sinh động. Đồng Nai có những con số “biết nhảy múa”: Chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm tăng 8,12%, năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2020 đạt gần 400.000 tỷ đồng, tương đương 17,2 tỷ USD và gấp 1,7 lần so với năm 2015. Bình quân đầu người đến nay đạt 124 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5.300 USD, tăng hơn 1,7 lần so với năm 2015, gấp 1,7 lần so với cả nước.

Cơ cấu lao động dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 41 ngàn DN được thành lập và hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 300.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực xuất, nhập khẩu, Đồng Nai đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, đặc biệt, những năm gần đây, xuất siêu của Đồng Nai luôn là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, với giá trị xuất siêu từ 2-3 tỷ USD/năm.

Nâng cấp hàng loạt đô thị

Dấu ấn thứ ba là nâng cấp hàng loạt đô thị. Đầu tiên phải nói đến là TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của Đồng Nai, đi lên từ những bộn bề gian khó sau ngày giải phóng, đô thị Biên Hòa nay đã khoác lên mình “tấm áo” mới năng động. Nằm ở cửa ngõ Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, là một trong 3 trục tam giác tăng trưởng TP.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu, những năm qua, hàng loạt công trình, dự án lớn đã được đầu tư xây dựng như: cầu An Hảo, Bửu hòa, Hóa An,… đã góp phần tạo nên một đô thị Biên Hòa hiện đại và giàu sức sống. Biên Hòa đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại I từ năm 2016. Năm 2019, 6 xã của thành phố tiếp tục được nâng cấp thành phường. Như vậy, hành chính của TP.Biên Hòa gồm 29 phường, một xã.

Cùng với sự phát triển của TP.Biên Hòa, Long Khánh đã thành lập 5 phường và nâng cấp TX.Long Khánh trở thành TP.Long Khánh, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra. Trong quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP.Long Khánh sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và là một đô thị xanh, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Còn hai huyện Thống Nhất và Nhơn Trạch được coi là đô thị “cửa ngõ” của giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vì có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: quốc lộ 1, quốc lộ 20, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến đường sắt Bắc – Nam. Còn Hiệp Phước huyện Nhơn Trạch được xem là thị trấn của công nghiệp, dịch vụ do trên địa bàn và khu vực xung quanh có nhiều khu công nghiệp và là nơi tập trung dân cư từ nơi khác đến sinh sống và làm việc.

Cũng trong năm 2019, các thị trấn của 2 huyện Long Thành và Trảng Bom được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là 2 thị trấn quan trọng tạo nên mảng ghép hoàn thiện cho khu vực phát triển mạnh về đô thị của Đồng Nai kéo dài từ TP.Biên Hòa qua Long Thành, Nhơn Trạch nối với Trảng Bom, Dầu Giây, TP.Long Khánh. Khu vực này cũng là khu vực chính được định hình để phát triển đô thị Đồng Nai trong tương lai.

Y tế luôn đi trước

Dấu ấn thứ tư là ngành Y tế đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra như thu gom và xử lý rác thải đạt 100%; đạt 30 giường bệnh/vạn dân; đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,02%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao còn 23%, suy dinh dưỡng cân nặng còn 8%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vaccine đạt 98%.

Có thể nói, chưa bao giờ nguồn lực đầu tư cho y tế lại dồi dào như giai đoạn qua, tạo ra các điều kiện vô cùng thuận lợi để ngành Y tế Đồng Nai xây dựng nền y tế thông minh, với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất…

Tạo trục tăng trưởng trong tương lai

Mục tiêu phát triển của Đồng Nai trong 5 năm tới, giai đoạn 2020-2025 là xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội, là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế. Đồng Nai sẽ là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển.

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 7 nhóm giải pháp cho từng lĩnh vực. Trong đó, phát triển kinh tế năng động và bền vững trên cơ sở ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo. Phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tương xứng với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đẩy mạnh phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng với nhân dân; đổi mới hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội; phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Để có cơ sở lập quy hoạch lớn này, hiện nay Đồng Nai đang thực hiện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

THEO BÁO MÔI TRƯỜNG VÀ ĐÔ THỊ